Tin tức
Thông tin báo chí
  • Phát triển logistics cửa khẩu: Khâu quan trọng trong 

    xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới

    Từ khi Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc -Asean được xây dựng, ngành logistics của Quảng Tây đã có bước phát triển nhanh chóng, trong đó logistics cửa khẩu là một bộ phận chủ lực, có vai trò vô cùng quan trọng. Cách đây không lâu, tại Diễn đàn xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới hai nước Việt Trung được tổ chức ở Đông Hưng, các chuyên gia đều nhận định, logistics của Đông Hưng, Bằng Tường là logistics cửa khẩu, do vậy, việc xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới sẽ có tác dụng thúc đẩy logistics cửa khẩu phát triển nhanh chóng.

     Hàng hoá số lượng lớn là chủ đạo trong logistics cửa khẩu Quảng Tây

    Giáo sư Kỷ Thọ Văn, trường Đại học Giao thông Bắc Kinh đã giải thích nội hàm của logistics cửa khẩu như sau: Logistics cửa khẩu là tận dụng ưu thế quốc tế hoá của cửa khẩu, phát huy tối đa ưu điểm của tuyến đường lưu thông hàng hoá quốc tế cửa khẩu và đặc điểm là trung tâm trung chuyển hàng hoá của khu vực, trên cơ sở nghiệp vụ cửa khẩu, lấy kỹ thuật thông tin làm chỗ dựa, đẩy mạnh tác dụng đầu tàu và sức lan toả của các hoạt động kinh tế cửa khẩu, tạo nên một hệ thống dịch vụ tổng hợp có tính quốc tế và khả năng kết nối mạnh mẽ.

    Logistics ở các địa phương Đông Hưng, Bằng Tường và các cửa khẩu ven sông, ven biển khác của Quảng Tây, bao gồm khu cảng bảo thuế, khu bảo thuế tổng hợp (kho ngoại quan), trung tâm logistics bảo thuế… đều có được những ưu điểm trên.

    Những năm qua, ngành logistics của Quảng Tây có bước phát triển nhanh chóng, hiện trên địa bàn khu có hơn 2000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, trong đó có hơn 300 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 5 triệu Nhân dân tệ. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này đều liên quan mật thiết với logistics cửa khẩu.

    Theo số liệu từ Cục kiểm tra kiểm dịch xuất nhập cảnh Quảng Tây, năm 2012, có trên 180 lô hàng nhập khẩu gạo từ các cửa khẩu Phòng Thành Cảng, Thuỷ Khẩu, Bằng Tường với hơn 53000 tấn, trị giá trên 23 triệu Nhân dân tệ, so với cùng kỳ năm ngoái số lô, khối lượng và giá trị lần lượt tăng 62 lần, 1307 lần và 311 lần. Đây cũng là những đầu mối nhập khẩu gạo lớn nhất Quảng Tây hiện nay. Thực tế, những mặt hàng số lượng lớn trong thương mại đối ngoại của Quảng Tây đều xuất phát từ logistics cửa khẩu. Ví dụ, mặt hàng số lượng lớn nhập khẩu vào cửa khẩu Đông Hưng là sản phẩm cao su của các nước Đông Nam Á, mỗi năm có khoảng 500 nghìn tấn cao su nguyên liệu nhập khẩu qua cửa khẩu Đông Hưng. Hiện nay, Đông Hưng đã trở thành cửa khẩu nhập khẩu cao su trên đất liền lớn nhất Trung Quốc.

    Theo số liệu thống kê Hải quan, từ năm 2003 đến nay, kim ngạch mậu dịch qua các cửa khẩu Đông Hưng, Bằng Tường tăng trưởng tương đối nhanh. Gần đây, nhiều doanh nghiệp thương mại nước ngoài trong và ngoài nước (Trung Quốc) đã đổ về cửa khẩu Đông Hưng và Bằng Tường triển khai nghiệp vụ mậu dịch chuyển khẩu. Ví dụ, năm 2012, lượng hàng hoá khai báo hải quan ở các cửa khẩu khác trong nước (Trung Quốc) nhưng thực hiện xuất nhập khẩu tại Hữu Nghị Quan, Bằng Tường tăng theo cấp số nhân. Chỉ tính riêng cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Bằng Tường, năm ngoái có tới 3220 tờ khai xuất nhập cảnh hàng hoá chuyển khẩu, tổng lượng hàng hoá 26.500 tấn, trị giá 2,433 tỷ USD, lần lượt tăng 1,06 và 1,54 lần so với cùng kỳ.

    Những năm gần đây kinh tế Việt Nam phát triển tương đối nhanh, thể hiện ở sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ logistics các cửa khẩu tương ứng với cửa khẩu Đông Hưng, Bằng Tường, Thuỷ Khẩu (Trung Quốc). Với vị thế là cánh cửa để Trung Quốc hướng tới Asean, cùng với sự phát triển về chiều sâu trong xây dựng khu tự do thương mại Trung Quốc - Asean và việc thực thi toàn diện chính sách phi thuế quan giữa Trung Quốc và Asean, logistics các các cặp cửa khẩu tương ứng hai nước Việt Trung sẽ có được bước phát triển nhanh hơn nữa.

    Xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới sẽ thúc đẩy logistics cửa khẩu phát triển

    Hiện nay, vấn đề tồn tại chủ yếu trong quá trình phát triển logistics cửa khẩu Đông Hưng, Bằng Tường là cơ sở vật chất còn chưa đủ, tác dụng làm bệ đỡ của kinh tế thành thị không đủ mạnh, các ngành công nghiệp và dịch vụ còn chưa phát triển, việc định vị chức năng cửa khẩu biên giới còn ở mức thấp, hơn nữa các thông tin và điều kiện phát triển logistics chưa hoàn thiện… Những vấn đề trên có thể được giải quyết thông qua việc xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Trung.

    Hiện các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới của Trung Quốc gồm có: Khu mậu dịch tổng hợp chung Trung Quốc - Liên Bang Nga, Trung tâm hợp tác biên giới quốc tế Trung Quốc - Kazakstan, khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Thuỵ Lệ (Trung Quốc) - Muse (Miến Điện), Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Đông Hưng (Trung Quốc) - Móng Cái (Việt Nam) và Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Bằng Tường (Trung Quốc) - Đồng Đăng (Việt Nam)…

    Ông Kỷ Thọ Văn cho biết, logistics cửa khẩu là một hình thức đặc biệt của ngành dịch vụ vận tải hiện đại, so với các hình thức dịch vụ vận tải khác, logistics cửa khẩu nổi trội hơn ở tính quốc tế hoá, tính quy phạm trong quy trình, tính quản lý trong vận hành, có ưu thế tổng hợp của gia công, xuất nhập khẩu và thương mại biên giới. Đây chính là tôn chỉ trong xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới. Khi khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới được xây dựng, các chức năng như cơ sở vật chất logistics, sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ, nguồn thông tin logistics đầy đủ, hoàn thiện cũng sẽ có sự phát triển tương ứng, đồng thời đáp ứng nhu cầu của ngành logistics cửa khẩu trên các phương diện vận tải, kho bãi, đại lý hàng hoá…

    Các chuyên gia cho rằng, logistics cửa khẩu là cơ sở hạt nhân trong phát triển khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới. Với ưu thế là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, kết nối và những chính sách mở cửa với nước ngoài, phạm vi và tầm ảnh hưởng của hệ thống logistics cửa khẩu trong khu hợp tác kinh tế sẽ ngày một mở rộng. Logistics cửa khẩu sẽ thúc đẩy mạnh mẽ gia công xuất nhập khẩu và thương mại cửa khẩu phát triển, đưa khu hợp tác xuyên biên giới trở thành môi trường điều chỉnh các nguồn tài nguyên trong và ngoài nước trong chuỗi sản xuất, trở thành một cực tăng trưởng trong phát triển kinh tế khu vực.

    Ông Lương Minh, nhân viên nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, việc thiết lập khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới trong khu tự do mậu dịch sẽ tạo ra những cơ hội mở rộng không gian hạn chế về mặt chính sách, thống nhất tiêu chuẩn mậu dịch và loại bỏ những rào cản phi thuế quan.v.v..., từ đó thúc đẩy logistics cửa khẩu phát triển. Việc xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới sẽ tạo nên môi trường quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương giữa các địa phương biên giới, tạo nên những thành quả nổi bật.

    Đồng chí Cốc Nguyên Dương, Giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới (Trung Quốc) cho biết, dự kiến đến năm 2015 kim ngạch mậu dịch Trung Quốc – Asean có thể đạt tới 500 tỷ USD, Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Trung được xây dựng là cơ sở để phát triển hơn nữa logistics cửa khẩu hai bên, có lợi cho việc đưa thương mại song phương trong tương lai phát triển nhanh chóng.

    Thông quan nhanh chóng, thuận lợi là yêu cầu tất yếu để phát triển logistics cửa khẩu, việc xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới sẽ góp phần tích cực làm cho việc thông quan tại các cửa khẩu càng thêm đơn giản, thuận tiện.

    Logistics cửa khẩu Quảng Tây phát triển theo mô hình hiện đại hoá

    Trong những năm trở lại đây, Quảng Tây đã có được những bước tiến quan trọng trong thực hiện đơn giản hoá các thủ tục thông quan. Những năm về trước, cửa khẩu Phòng Thành Cảng đã đi đầu trong việc xây dựng cửa khẩu điện tử, có tác dụng thúc đẩy nghiệp vụ container tại cảng ngày một phát triển. Tháng 12 năm ngoái, Quảng Tây cũng mở ra diễn đàn dịch vụ cửa khẩu điện tử logistics Tây Giang, đánh dấu bước chuyển biến căn bản trong quản lý logistics cửa khẩu Quảng Tây từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại hoá, đưa điều kiện thông quan cửa khẩu ngày một đơn giản, thuận tiện.

    Xét trên sự phát triển của ngành, các chuyên gia cho rằng, khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Đông Hưng- Móng Cái, Bằng Tường - Đồng Đăng phải căn cứ theo giai đoạn phát triển của khu vực và sự phân bố các ngành để lựa chọn hợp lý hình thức phát triển logistics cửa khẩu, đây chính là yêu cầu nội tại của phát triển logistics cửa khẩu.

    Đồng chí Chu Thánh Khôn thuộc Học viện Nhân văn và phát triển - Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, sự phát triển của ngành logistics hiện nay (bao gồm cả logistics cửa khẩu) sẽ càng được thống nhất và quy phạm hoá, việc xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới sẽ có tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thống nhất và quy phạm đó.

    Đồng chí Bùi Tường Anh, Phó Tổng thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam cho biết, hiện hai nước Việt Nam, Trung Quốc đang tích cực xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, thông qua diễn đàn này cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin về thị trường vùng biên, đẩy mạnh giao thương, chuyển tải hàng hoá và các dịch vụ phục vụ xuất khẩu hàng hoá cửa khẩu, đưa hàng từ cửa khẩu vào sâu trong nội địa cùng những hoạt động giao dịch thương mại, từ đó thúc đẩy dòng hàng hoá thông thương giữa các cặp cửa khẩu tương ứng tăng lên, tạo điều kiện hạ giá thành vận chuyển hàng hoá.

    Hoàng Tín (Nhật Báo Quảng Tây)

    Biên dịch: Nguyễn Minh Tiến

    Trích dẫn : http://www.baoquangninh.com.vn/quoc-te/quang-tay/201303/Phat-trien-logistics-cua-khau-Khau-quan-trong-trong-xay-dung-khu-hop-tac-kinh-te-xuyen-bien-gioi-2192645/

ĐĂNG NHẬP
THÀNH VIÊN CÁC HIỆP HỘI
CHUYÊN NGÀNH LOGISTIC
Liên kết Website

KHÁCH HÀNG

cathay_pacific
chinaairlines
evaair
fedex
kinhdo
korean_air
mol
pg
philipinesair

ĐỐI TÁC

sammigue
texthong
thai
tigerbeer
tnt
unipresident
vietnamairlines
vinacam
vincom