Tin tức
Thông tin chuyên ngành
  • Nhanh chóng thể chế hoá, thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ logistics 3PL

    Những năm qua rất nhiều bài viết bình luận về thực trạng dịch vụ logistics của Việt Nam, gần như lặp lại các cụm từ "manh mún" "thiếu hợp tác" "cạnh tranh giá" hoặc tệ hơn "thị trường dịch vụ logistics Việt Nam là miếng bánh ngon cho các đại gia logistics nước ngoài".

    Hoặc "Các công ty cung ứng dịch vụ logistics Việt Nam đã trở thành những người làm thuê cho các công ty 3PL, 4PL nước ngoài ngay tại sân nhà".

    Mới đây, đã xuất hiện những con số ước đoán "chỉ có khoảng gần 10% doanh nghiệp hoạt động trong ngành giao nhận kho vận, logistics.. Việt nam thực sự cung cấp dịch vụ logistics, nhưng trong số đó các doanh nghiệp nước ngoài (liên doanh, 100% vốn nước ngoài) đã giành được 70% thị trường." (2)

    Tất cả những điều trên đây có hoàn toàn đúng không? Và có giải pháp nào để "cứu" ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang còn non trẻ ?
    Nhưng trước hết, từ góc độ Nhà Nước và Hiệp hội ngành, nơi mà có thể tạo ra những cú "hích" từ những thể chế, chính sách nhằm định hướng, tạo điều kiện thúc đẩy ngành dịch vụ logistics "non trẻ" phát triển thuận lợi nhất góp phần phát triển nền kinh tế Việt nam.

    Từ dịch vụ giao nhận đến dịch vụ logistics 3PL, những khái niệm chưa thực sự gặp nhau :

    Tại điều 163, Luật thương mại Việt Nam năm 1997, khái niệm về dịch vụ giao nhận hàng hóa đối chiếu với điều 233, Luật thương mại 2005 về dịch vụ logistics chúng ta có thể thấy ngay rằng : Dịch vụ logistics được định nghĩa và gần như thay thế cho dịch vụ giao nhận, hay nói một cách khác những nhà làm luật thương mại năm 2005 đã hiểu dịch vụ logistics từ nghĩa rộng của dịch vụ giao nhận, điều này đã gây ra ngộ nhận cho những ai tiếp cận khái niệm dịch vụ giao nhận và dịch vụ logistics!


    Khái niệm một loại dịch vụ logistics trong thực tiễn đã phát triển cao hơn và nó hoàn toàn khác với dịch vụ giao nhận truyền thống

    Trên thực tế, cùng với sức ép của việc tự do hoá thương mại tại Việt nam nhằm đón nhận các nguồn đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế, các chính sách tại thời điểm này có xu hướng khuyến khích, tạo thuận lợi cho các thương nhân làm dịch vụ logistics . Nếu trước đây để đăng ký một doanh nghiệp làm dịch vụ giao nhận, dịch vụ hàng hải .. thương nhân phải có một số điều kiện như bản thân giám đốc hoặc các cán bộ giúp việc phải tốt nghiệp đại học các ngành có liên quan như ngoại thương, hàng hải..Nhưng đến thời điểm 2005( Luật Thương mại 2005 và các Nghi định hướng dẫn thi hành đã bãi bỏ các điều kiện này) chúng ta đã chứng kiến mỗi ngày có một, hai công ty làm dịch vụ logistics mới thành lập, thậm chí có công ty chỉ cung cấp lao động bốc xếp, hoặc sở hữu vài xe tải nhỏ cũng là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics! Sự thành lập ồ ạt, có trường hợp đăng ký trước để "xí phần", đăng ký "thay" cho các cty nước ngoài vì điều kiện quá "dễ giải" như đã nói trên đã làm cho số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics sau năm 2005 tăng lên mức kỷ lục! . Nhưng điều quan trong hơn, bắt nguồn từ các khái niệm không rõ ràng, thiếu cụ thể của các quy phạm pháp luật về dịch vụ logistics dẫn đến tình trạng vừa xem nhẹ về mặt quản lý vừa tạo ra "sân chơi" hỗn tạp, thiếu các định chế nhằm thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lâu dài , liên kết hợp tác, chuyên sâu ngành nghề... trong đó có việc chúng ta chậm đưa vào các khái niệm mới về dịch vụ logistics như dịch vụ logistics 3PL, dịch vụ cross-docking..và thể chế hoá thị trường thuê ngoài logistics 3PL.

    Nhìn ra thế giới cũng từ năm 2004, Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Quốc tế (FIATA), một tổ chức của những người làm giao nhận có lịch sử lâu đời thành lập từ năm 1926, cùng với Hiệp hội giao nhận vận tải, logistics và khai quan Châu Âu (CLECAT) đã thống nhất thuật ngữ "Dịch vụ giao nhận và logistics" (freight forwarding and logistics service) để khái niệm một loại dịch vụ logistics trong thực tiễn đã phát triển cao hơn và nó hoàn toàn khác với dịch vụ giao nhận truyền thống (3)

    Còn tại Nhật Bản, từ năm 2005, Chính phủ đã ban hành "Luật nâng cao hiệu quả tổng hợp giao nhận hàng". Trong đó đề cập "Dịch vụ 3PL là dịch vụ chất lượng cao mà người cung ứng dịch vụ chịu trách nhiệm hoàn toàn trong vận chuyển".Từ Luật này Chính phủ Nhật bản đã thể chế dịch vụ logistics 3PL và có những chính sách thúc đẩy phát triển cụ thể là tạo các ưu đãi về chính sách như ưu đãi đất đai đô thị, chính sách ưu đãi thuế cho các Trung tâm Logistics (Distribution center) tại các đô thị nhằm phân phối hàng hoá hiệu quả đến người dân.

    Tại Trung quốc, ngay sau khi gia nhập WTO, Nhà Nước ngoài việc tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, cầu cảng.. quy định chặt chẽ việc thành lập các kho, trung tâm phân phối, khuyến khích các nhà 3PL nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Trung quốc, có chính sách thúc đẩy thị trường thuê ngoài logistics (outsourcing logistics) và tái cấu trúc thị trường logistics( mà trọng tâm là dịch vụ 3PL) nhằm tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh đông thời thúc đẩy liên kết hợp tác.

    Xin nói thêm thuật ngữ 3PL (Third party logistics) đã xuất hiện tại các nước Âu, Mỹ... từ những năm 1970, là nơi mà khái niệm logistics và dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ trên thế giới.

    Hãy xem một định nghĩa khác : " Dịch vụ logistics 3PL là những hoạt động thực hiện bởi một công ty bên ngoài thay mặt chủ hàng và ít nhất cũng đảm bảo thực hiện được việc quản lý nhiều hoạt động logistics. Các hoạt động này được cung cấp theo hướng tích hợp chứ không phái là một hoạt động riêng lẻ. Sự hợp tác giữa chủ hàng vá công ty bên ngoài là một mối quan hệ liên tục và có chủ định (nguồn : Dự án Protrans, EU).

    Trong một cuộc hội thảo logistics gần đây, một chuyên gia Bộ GTVT đã nhìn nhận "Các quy định về kinh doanh trong lĩnh vực logistics trong Luật thương mại 2005 chưa cụ thể, đôi khi gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt nam". Hoặc "các văn bản về dịch vụ logistics vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ...chưa có luật riêng về kinh doanh dịch vụ logistics"

    Cùng với các nhận định trên, đối chiếu với các nước phát triển chúng ta có thể kết luật rằng tại Việt Nam dịch vụ logistics được quy định tại Luật Thương Mại 2005 chưa rõ ràng , cụ thể và không phù hợp với thực tiễn phát triển của loại hình dịch vụ này. Hay nói một cách khác "công cụ luật pháp Việt Nam" chưa may được "cái áo " đúng tầm vóc của nó và do vậy logistics cũng như dịch vụ logistics chưa thực sự là "thềm lục địa" (4) cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

    Nhanh chóng thể chế hóa thị trường dịch vụ 3PL, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

    Thừa nhận chúng ta đang ở trong một thị trường dịch vụ logistics còn non trẻ với tỷ lệ thuê ngoài (outsourcing) khoảng 25-30%, tuy có tốc độ phát triển 20-25% năm, nhưng dung lượng thị trường còn khá thấp (khoảng 3-4 tỷ USD/năm). Các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu Việt nam còn ngần ngai, chưa tin tưởng vào việc thuê ngoài logistics, hoặc chỉ thuê ngoài các dịch vụ đơn lẻ (như khai hải quan, kho, vận chuyển..) do vậy những doanh nghiệp 3PL Việt nam chưa và không thể có điều kiện kiểm soát toàn bộ (trọn gói) quá trình logistics để giảm chi phí và tạo ra các giá trị gia tăng phục vụ khách hàng .Đây cũng còn do tập quán bán FOB,FCA.. ăn sâu vào thương nhận Việt nam trong xuất nhập khẩu , và xa hơn là đội tàu viễn dương của Việt nam còn quá khiêm tốn.

    Thị trường ấy đã có sự hiện diện của các Công ty 3PL, 4PL đa quốc gia chiếm giữ khoảng 70% vì một lẽ đơn giản những người cung cấp dịch vụ logistics trong nước chưa theo kịp hoặc thiếu "chủ động" như đã nói trên. Và như thế việc "tụt tay' mất việc ngay tại sân nhà như đã nói khá nhiều và lâu nay là điều có thật!

    Công bằng mà nói, qua theo dõi một số doanh nghiệp hội viên VIFFAS đã có không ít trường hợp tiến hành cung cấp dịch vụ 3PL cho khách hàng của mình, tham gia đấu thầu ngang hàng với các đội bạn (có yếu tố nước ngoài), hoặc tiến hành quản lý các kho của nhà cung cấp (Vendor-managed Inventory), quản lý gom hàng cho người mua (buyer's consolidation)..tiếc là công nghệ thông tin, hệ thống mạng lưới, các giải pháp.. chưa có điều kiện đầu tư đúng mức.

    Chúng ta đã có thêm bài học : chính dịch vụ logistics 3PL mới là cánh tay đắc lực và hiệu quả cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa trên thị trường cạnh tranh toàn cầu (như Unilever, Procter Gamble, Nike, Addidas, Ikea..).Và chúng ta cũng hiểu thêm rằng ngày càng có các hãng tàu lớn trên thế giới mang thêm (hoặc thành lập thêm) cái đuôi logistics như APL logistics, Maersk Logistics, OOCL Logistics, NYK logistics...

    Cuối cùng để trả lời câu hỏi làm sao "cứu" được ngành dịch vụ logistics Việt Nam còn non trẻ, đủ sức cạnh tranh hợp tác với các doanh nghiệp 3PL, 4PL nước ngoài (LD, 100% vốn nước ngoài). Chúng ta hãy bắt đầu bằng các quy định pháp luật, các thể chế, chính sách đúng đắn phù hợp với thực tiễn dịch vụ logistics trong thời đại hiện nay

    Nên chăng sửa đổi, bổ sung... các điều khoản của Luật Thương mại 2005(điều 233 và các điều kế tiếp) bằng các điều khoản quy định dịch vụ logistics một cách rõ ràng, cụ thể, phù hợp ( hoặc có một Nghị định riêng về dịch vụ logistics ) nhằm một mặt tăng cường quản lý nhà nước, mặt khác đảm bảo các điều kiện để dịch vụ logistics phát triển nhanh chóng và đúng hướng .

    Trong điều kiện logistics và dịch vụ logistics ngày càng phát triển và chứng tỏ vai trò của nó cùng với khái niệm quản trị chuyền cung ứng , rất nên mở rộng các khái niệm rất thịnh hành như dịch vụ logistics 3PL, 4PL thậm chí 5PL , các khái niệm dịch vụ cross docking, NVOCC (người vận chuyển công công không có tàu)...

    Bên cạnh đó nhanh chóng thể chế hoá thị trường thuê ngoài logistics(outsourcing logistics) (còn gọi là thị trường 3PL) kèm theo các chính sách hổ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển nhằm góp phần vào việc nâng cao lợi thế quốc gia cho các doanh nghiệp Việt nam trong điều kiện hội nhập sâu khu vực và thế giới.

    Đây cũng chính là các kiến nghị của VIFFAS với Chính phủ trong thời gian gần đây!

    Theo Thuongmai
ĐĂNG NHẬP
THÀNH VIÊN CÁC HIỆP HỘI
CHUYÊN NGÀNH LOGISTIC
Liên kết Website

KHÁCH HÀNG

cathay_pacific
chinaairlines
evaair
fedex
kinhdo
korean_air
mol
pg
philipinesair

ĐỐI TÁC

sammigue
texthong
thai
tigerbeer
tnt
unipresident
vietnamairlines
vinacam
vincom